Lợi ích của quả kiwi đối với đường tiêu hóa
# Khoa tiêu hóa # Y tế gia đình # Chuyên khoa nội # Dinh dưỡng trị liệu # Đa chuyên khoa
Docquity Vietnam
Mở đầu
Có nhiều yếu tố dẫn đến sự hình thành của các triệu chứng rối loạn đường tiêu hóa chức năng, bao gồm tuổi tác, chế độ ăn, lối sống, thuốc điều trị, rối loạn hệ vi sinh vật đường ruột, tăng tính thấm đường ruột, viêm đường ruột mức độ thấp và một số các bệnh lý mắc kèm như lo âu và trầm cảm.
Chỉ có 22% bệnh nhân bị táo bón tìm tới bác sĩ để được tư vấn, và những bệnh nhân này thường không thỏa mãn với các biện pháp điều trị1. Thuốc nhuận tràng chẳng hạn như thuốc làm mềm phân, thuốc nhuận tràng kích thích và chất độn phân thường được kê đơn. Tuy những biện pháp này có hiệu quả để làm tăng tần suất đi vệ sinh và làm mềm phân nhưng lại thường kém được dung nạp2.
Hướng đến khả năng dung nạp của bệnh nhân, nhiều nghiên cứu đã tiến hành khảo sát một số tác nhân dinh dưỡng trong việc hỗ trợ cải thiện các bênh lý ở đường tiêu hóa. Kết quả của một vài nghiên cứu đã gợi ý rằng việc ăn kiwi tươi thường xuyên có thể mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, những nghiên cứu này lại được tiến hành trên cỡ mẫu nhỏ3 – 7. Do vậy, Bayer và cộng sự đã tiến hành một nghiên cứu khác và kết quả cho thấy kiwi và những chế phẩm làm từ kiwi có thể làm giảm đau bụng, thoái mái đường tiêu hóa và giảm nhẹ các triệu chứng trên đường tiêu hóa [8]. Một nghiên cứu khác với quy mô lớn hơn, đa trung tâm và ngẫu nhiên có đối chứng được tiến hành và công bố vào năm 2022 trên tạp chí The American Journal of Gastroenterology nhằm làm rõ bằng chứng cho thấy kiwi có những lợi ích nhất định trên đường tiêu hóa. Bài viết xin tóm tắt kết quả nghiên cứu thú vị này tới bạn đọc9.
Đây là nghiên cứu đa trung tâm, mù đôi, ngẫu nhiên có đối chứng với thời gian theo dõi là 16 tuần được tiến hành trên 3 quốc gia: New Zealand, Italy và Nhật Bản. Hiệu quả của việc ăn 2 quả kiwi tươi mỗi ngày (Actinidia chinensis với Actinidia deliciosa) được so sánh với psyllium 7.5 g/ngày trong 4 tuần bằng cách đánh giá thói quen tiêu hóa và sự thoải mái của đường tiêu hóa. Hai quả kiwi tươi/ngày được cho là chứa khoảng 6 g chất xơ. Psyllium liều 7.5 cũng được cho là cung cấp khoảng 6 g chất xơ10 – 12. Việc tiêu thụ tối thiểu 6 g chất xơ từ psyllium được cho là mang đến hiệu quả bình thường hóa thói quen tiêu hóa ở bệnh nhân tiêu hóa. Psyllium được cân nhắc là lựa chọn đầu tay cho bệnh nhân tiêu hóa (ở cả bệnh nhân hội chứng ruột kích thích với triệu chứng nổi trội là táo bón và bệnh nhân táo bón chức năng)9, 13.
Fun facts về quả kiwi
Kiwi được khám phá và khai thác kinh tế vào thế kỷ 20. Kiwi là loại cây ăn quả địa phương ở khu vực rừng núi và đồi ôn đới phía Tây Nam Trung Quốc. Những người truyền giáo vào thế kỷ 19 có thể là những người có đóng góp to lớn vào sự phân bố của thực vật và ngành trồng trọt. Những mẫu vật phẩm đầu tiên của Actinidia chinensis được gửi đến Châu Âu lần đầu tiên vào khoảng năm 1750 bởi Pierre Noël Le Chéron d'Incarville và sau đó vào khoảng năm 1843 – 1845 bởi Robert Fortune. Ngày nay, New – Zealand là quốc gia sản xuất nhiều kiwi nhất trên thế giới14.
Bảng 1 cung cấp một số thông tin về thành phần dinh dưỡng của kiwi. Ở Italy, nhờ vào hàm lượng vitamin C cao, kiwi được biết đến rộng rãi với cái tên “frutto della salute” – nghĩa là loại hoa quả lành mạnh (healthy fruit)15.
Bảng 1. Thành phần dinh dưỡng của quả kiwi tươi
Kết quả nghiên cứu
Trong khoảng thời gian từ 12/06/2014 – 17/06/2017, 184 người tham gia nghiên cứu được vận động tham gia nghiên cứu. Trong đó có 136 người tham gia nghiên cứu là nữ giới và 48 người tham gia nghiên cứu là nam giới, tỷ lệ giới tính này thống nhất với tỷ lệ hiện hành được báo cáo của táo bón. Tuổi trung bình của những người tham gia nghiên cứu là 30.5 tuổi ở Nhật Bản, 36.9 tuổi ở Italy và 44.8 tuổi ở New Zealand.
Hai tuần sau khi được vận động vào nghiên cứu, người tham gia nghiên cứu xây dựng thói quen ghi lại nhu động ruột (tuần suất, tính trọn vẹn, tính tự phát, hình dạng phân, thuốc nhuận tràng sử dụng và mức độ căng thẳng).
Sau 4 tuần được điều trị với biện pháp điều trị được phân nhóm ban đầu, người tham gia nghiên cứu được đổi nhóm điều trị trong 4 tuần sau khi đã trải qua giai đoạn “wash out” kéo dài 4 tuần.
Tổng cộng có 169 người tham gia nghiên cứu hoàn thành nghiên cứu một cách trọn vẹn. Sau giai đoạn 4 tuần điều trị đầu tiên, bệnh nhân táo bón chức năng được ăn kiwi cho thấy có sự gia tăng trung bình 1.53 nhu động ruột/tuần (có ý nghĩa thống kê). Bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích với triệu chứng nổi trội là táo bón tăng 1.73 nhu động ruột trung bình/tuần (có ý nghĩa thống kê). Đối với nhóm điều trị bằng psyllium, chỉ có nhóm bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích với triệu chứng nổi trội là táo bón có tần suất nhu động ruột tăng có ý nghĩa thống kê (1.87/tuần) hoặc giảm các triệu chứng tiêu hóa có ý nghĩa thống kê. Tuy nhiên, cả 2 nhóm điều trị (kiwi tươi và psyllium) đều cho thấy sự cải thiện mức độ thoải mái của đường tiêu hóa có ý nghĩa thống kê. Tần suất nhu động ruột ở nhóm người khỏe mạnh không tăng.
Nhóm điều trị bằng kiwi tươi báo cáo phân mềm nhất quán, giảm căng thẳng và chất lượng cuộc sống được nâng cao hơn so với thời điểm bắt đầu tham gia nghiên cứu. Những báo cáo về đặc điểm của phân và mức độ căng thẳng của nhóm kiwi nhất quán và khả quan hơn của nhóm được điều trị bằng psyllium6.
Bàn luận
Cùng với những bằng chứng đã có trước đây, kết quả nghiên cứu này lại một lần nữa khẳng định hiệu quả của kiwi tươi đối với bệnh nhân táo bón. Việc tiêu thụ 2 quả kiwi/ngày có thể được khuyến cáo cho bệnh nhân bị táo bón như một biện pháp hiệu quả và an toàn.
Tài liệu tham khảo
- Bharucha AE, Wald A. Chronic Constipation. Mayo Clin Proc. 2019;94(11):2340-57.
- Basilisco G, Italian Society of Neurogastroenterology Motility (SINGEM) Study Group. Patient dissatisfaction with medical therapy for chronic constipation or irritable bowel syndrome with constipation: analysis of N-of-1 prospective trials in 81 patients. Aliment Pharmacol Ther. 2020;51(6):629-36.
- Chang C-C, Lin Y-T, Lu Y-T, Liu Y-S, Liu J-F. Kiwifruit improves bowel function in patients with irritable bowel syndrome with constipation. Asia Pacific Journal of Clinical Nutrition. 2010;19(4):451-7.
- Chan AOO, Leung G, Tong T, Wong NYH. Increasing dietary fiber intake in terms of kiwifruit improves constipation in Chinese patients. World Journal of Gastroenterology. 2007;13(35):4771-5.
- Cunillera O, Almeda J, Mascort JJ, Basora J, Marzo-Castillejo M. Improvement of functional constipation with kiwifruit intake in a Mediterranean patient population. An open, non-randomized pilot study. Revista española de nutrición humana y dietética. 2015;19(2):10.
- Chey SW, Chey WD, Jackson K, Eswaran S. Exploratory Comparative Effectiveness Trial of Green Kiwifruit, Psyllium, or Prunes in US Patients With Chronic Constipation. Am J Gastroenterol. 2021;116(6):1304-12.
- Rush EC, Patel M, Plank LD, Ferguson LR. Kiwifruit promotes laxation in the elderly. Asia Pacific Journal of Clinical Nutrition. 2002;11(2):164-8.
- Bayer SB, Frampton CM, Gearry RB, Barbara G. Habitual Green Kiwifruit Consumption is Associated with a Reduction in Upper Gastrointestinal Symptoms - A Systematic Scoping Review. Advances in nutrition (Bethesda, Md). 2022.
- Gearry R, Fukudo S, Barbara G, Kuhn-Sherlock B, Ansell J, Blatchford P, Eady S, Wallace A, Butts C, Cremon C, Barbaro MR, Pagano I, Okawa Y, Muratubaki T, Okamoto T, Fuda M, Endo Y, Kano M, Kanazawa M, Nakaya N, Nakaya K, Drummond L. Consumption of two green kiwifruit daily improves constipation and abdominal comfort - results of an international multicentre randomised controlled trial. Am J Gastroenterol. 2022 Dec 20. doi: 10.14309/ajg.0000000000002124.
- Attaluri A, Donahoe R, Valestin J, Brown K, Rao SSC. Randomised clinical trial: dried plums (prunes) vs. psyllium for constipation. Alimentary Pharmacology & Therapeutics. 2011;33(7):822-8.
- Ashraf W, Park F, Lof J, Quigley EM. Effects of psyllium therapy on stool characteristics, colon transit and anorectal function in chronic idiopathic constipation. Aliment Pharmacol Ther. 1995;9(6):639-47.
- Gélinas P. Preventing constipation: a review of the laxative potential of food ingredients. International Journal of Food Science & Technology. 2013;48(3):445-67.
- Lacy BE, Mearin F, Chang L, Chey WD, Lembo AJ, Simren M, et al. Bowel Disorders. Gastroenterology. 2016;150(6):1393-407.e5.
- Richardson DP, Ansell J, Drummond LN. The nutritional and health attributes of kiwifruit: a review. Eur J Nutr. 2018 Dec;57(8):2659-2676. DOI: 10.1007/s00394-018-1627-z.
- S Department of Agriculture (2016) Green Kiwifruit. USDA National Nutrient Database for Standard Reference, Release 28 (slightly revised). Version: May 2016. US Department of Agriculture (USDA), Agricultural Research Service (ARS), Nutrient Data Laboratory, Beltsville (MD). http://www.ars.usda.gov/ba/bhnrc/ndl